BÁN KÍNH TÂM LINH

Bán Kính Tâm Linh

 

Nhờ vào hiện tượng phóng xạ mà người ta biết có sự hiện diện của một hóa chất đặc biệt trong môi trường, nơi con người việc tương tự là vùng ảnh hưởng con người tạo ra do bản chất của mình. Xét vấn đề theo sự rung động, mỗi tính khí có mức rung động khác biệt mà khi vững mạnh và đều đặn, ta quan sát được những điều sau:
– Nó sẽ lôi kéo môi trường chung quanh rung động theo cùng nhịp với nó. Đây là hiện tượng cộng hưởng mà ác thú trở nên hiền hòa khi gần thánh nhân là một ví dụ.
– Nó sẽ lan xa, xa bao nhiêu tùy thuộc vào sức mạnh ban đầu của nguồn rung động. Nói rộng ra, một đặc tính của đường Đạo là bao trùm, người càng tiến xa lòng thương yêu càng mở lớn, vùng ảnh hưởng tác động lên số càng đông, và sức mạnh của làn rung động tỷ lệ thuận với bán kính của vùng ảnh hưởng.
Từ đó một định nghĩa của hiện tượng phóng xạ dù ở bất cứ loài nào là ảnh hưởng bên ngoài sinh ra, khi mức sinh hoạt bên trong đã tới một nhịp rung động nào đó, khiến cho hình thể không còn là bức tường giam giữ mà cho phép bản chất bên trong vượt thoát ta ngoài. Nó đánh dấu một sự thành đạt trên đườngtiến hóa và việc ấy đúng cho các loài.

Phân Loại
Có một việc ta chưa nói ở trên là sự chiếu rạng tâm linh vừa gây ảnh hưởng vừa thu hút, đặc tính này được quan sát thấy ở những nấc thang tiến hóa với thay đổi chút ít như sau.
– Nơi kim thạch là hiện tượng phóng xạ trong vật lý
– Nơi thảo mộc là hương thơm của hoa với tính quyến rũ, như từ lực lôi cuốn.
– Lòng trung thành, có nghĩa, nơi loài vật đối với người.
– Lòng sùng tín nơi người trung bình với một cá nhân chỉ là biến thái của sự trung thành ở con vật.
Khi ý thức điều ấy, con người dễ dàng biến đổi nó sang cái tương ứng cao hơn là lòng yêu quí tôn chỉ, nguyên lý (tiến trình đi từ cụ thể sang trừu tượng).
Các điểm này đều gặp lại nơi người tiến hóa, chúng biến thành:
– Sự chiếu rạng tâm linh
– Đức hạnh thơm ngát bay đi xa
– Lòng tận tụy với chúng sinh.
Có hai loại chiếu rạng của người sống đạo dễ nhận biết nhất
● Ánh Sáng.
Ngoài hai nghĩa quen thuộc là minh triết, giác ngộ, ở đây nó ngụ một ý đặc biệt là sự thấu hiểu phần thiên cơ hiện thời, là sự chiếu rạng gợi nên phản ứng nơi người khác, khiến họ hoạt động đáp lại nhu cầu lúc này của nhân loại. Vị Chân Sư là thí dụ điển hình, cái luôn luôn nên để ý là ngài đi tìm những ai muốn cộng tác với ngài trong việc thực hiện thiên cơ, mà không thâu nạp người chỉ có lòng sùng tín mù quáng nhưng thiếu khả năng phụng sự.
Công việc của ngài là đưa vào thế giới các ý tưởng, thiên ý rõ rệt, những ý niệm hay những nét mà vào thời điểm ấy biểu lộ phần thiên cơ ứng với lúc đó. Xin mách giúp bạn một điều, mối tương quan đúng đắn - right relationships giữa người với người, người và vật, người và môi sinh là những nét cần được biểu lộ hiện thời. Do đó trong khoảng sau thế chiến II đến nay, nhân quyền được nhắc tới luôn, căn bản cho một trật tự mới trên thế giới được nhìn nhận là tính chia sẻ để không còn cảnh bóc lột. Các tổ chức bảo vệ loài vật, bảo vệ môi sinh cũng từ đó mà ra và càng lúc hoạt động càng mạnh.
Chân Sư đi tìm những trí óc nhậy cảm với thiên cơ, và không nhất thiết lưu tâm đến việc đi tìm người lành như quan niệm thường vẫn nghĩ. Ai có lòng quên mình và thiện tâm, không hề có ý hai người là cực tốt rồi, ngài đi tìm những loại người có thể đồng lòng đáp ứng với phần thiên cơ mà ngài chịu trách nhiệm. Vào lúc này đặc tính ánh sáng còn thêm một ý nghĩa khác. Con số người tiến bộ đang có mặt dưới trần và có khả năng chiếu rạng, đông tới mức hào quang của họ có thể tiếp xúc và găp nhau, họp thành các nhóm rải khắp thế giới. Mỗi người là một trung tâm ánh sáng mà nói một cách bóng bẩy thì nhiều lằn sáng từ các điểm này đan lẫn vào nhau, tạo thành màng lưới ánh sáng trên địa cầu. Số người càng nhiều, địa cầu càng sáng.
Ánh sáng cũng được dùng để nói về hào quang con người. Tư tưởng, tình cảm càng thanh bai, đẹp đẽ dường nào, chất liệu cấu tạo thể trí và tình cảm càng nhẹ nhàng, trong sáng chừng ấy; mức tiến hóa một người được đo không hề nhầm lẫn bằng độ sáng mà họ tỏa ra. Hình dáng bên ngoài có thể gạt gẫm nhưng ánh sáng của con người thật là phản ảnh trung thực của họ. Trong nhóm ở trên, mỗi cá nhân đều nhậy cảm với thiên cơ, làm việc trong hoàn cảnh riêng của mình, theo cung và mẫu mực từng người tùy theo sắc dân và quốc gia người ấy.
Ra ngoài đề một chút, cần có sự phân biệt giữa hai ý Sống và Làm, hay Thể và Dụng - beingdoing. Sống được hiểu theo nghĩa là thể hiện tính thiêng liêng của mình, bạn thành tình thương, thành nỗi hoan hỉ mà làm được vậy, nó có giá trị hơn bất cứ hành vi đặc biệt nào. Sống là hành động đòi hỏi trọn tâm hồn; bình thường con người khi hành động đều có lý do vì cái này hay cái kia, thế này hay thế nọ. Nhưng nay bạn biểu lộ nét thiêng liêng vì ý thức rằng bạn là cái đó, là tình thương, nỗi vui mà không là gì khác hơn. Nét ấy không ở ngoài mà chính là cốt tủy con người, khi hành động không vì một lý do nào mà chỉ vì điều ấy là ta, ta là thương yêu, hoan lạc, thì con người không nói phụng sự mà đang phụng sự trọn vẹn, bởi họ nêu lên cái tiêu chuẩn cho mọi người theo, cái mà ai ai cũng đang tiến bước để trở thành.
Dài dòng như vậy để hiểu tại sao những vị ẩn cư trong hang động vẫn đang giúp đời, trong khi không có hành vi cụ thể nào. Tư tưởng dũng mãnh, thanh sạch của họ là lực đẩy xa tư tưởng thấp kém làm cho thế giới được tinh lọc hơn. Cái hành động cao quý như vậy đã giúp đời rất nhiều, vì một ai được giải thoát và nâng cao cũng mang nhân loại lên một nấc dù rất nhỏ. Vòng ảnh hưởng của các vị này thật lớn lao cho dù ta không ý thức.

● Thương yêu, Hoan lạc
Đây là những trạng thái tâm hồn cũng chiếu rạng và thu hút người. Ta nên có sự phân biệt giữa ba ý:
– Hạnh phúc là kết quả của việc đạt được sở nguyện, là mục đích của ham muốn nơi phàm nhân.
– Hoan hỉ - Joy là đặc tính của Chân nhân, là biểu lộ của sự xác quyết nơi linh hồn. Nó có thể được tập luyện, lôi cuốn phàm nhân theo và thế chỗ cho hạnh phúc.
– An lạc - Bliss là tột đỉnh vui sướng con người có thể biết được, phát xuất từ Chân thần, là bản chất của con người thiêng liêng. Tới ngày giờ nó cũng ảnh hưởngChân nhân và thay cho hoan hỉ.
Làm sao con người giữ được nỗi vui khi cảnh đời thường có nhiều chuyện trái ý và khổ não ? Niềm vui ở đây dựa trên sự xác quyết của linh hồn là nhân loại hằng toàn thắng, vượt qua và tiến lên cho dù đã vấp té, phạm lỗi to tát. Đó là nỗi hoan hỉ dựa trên niềm tin không lay chuyển được rằng mọi người đều là linh hồn, và giây phút khó khăn là lúc để kêu gọi năng lực của linh hồn một người, một dân tộc. Sự hoan lạc ấy phát xuất từ cõi mà hình hài sắc tướng vật chất không chiếm ưu thắng, khi trụ tâm thức vào nơi ấy hiện tình thế giới được ý thức rõ, nhãn quan không bị giới hạn, con người được an nhiên, hiểu biết từ quá khứ đến chung cuộc, và nhận thức là tình thương sau cùng sẽ toàn thắng
Nỗi vui vẻ khi chiếu rạng làm nhẹ bớt gánh nặng kẻ khác đang mang khi gặp ta. Con đường Đạo là con đường sáng, ánh sáng khi được ban rải kèm nỗi vui sẽ kêu gọi được phản ứng tương tự, vì đó là bản chất tiềm ẩn của mọi người chỉ chờ được khơi dậy.

Mức Độ Ảnh Hưởng
Căn cứ vào tầm ảnh hưởng, sự chiếu rạng tâm linh có thể được chia thành hai nhóm sau:

● Cá nhân
Dù là ánh sáng hay tình thương, sự chiếu rạng đều hàm một ý là vùng ảnh hưởng do con người tạo ra. Nó có liên hệ chặt chẽ đến hào quang, bán kính của hào quang theo nghĩa bí truyền, đến âm thanh mà đời sống con người làm vang lên, cũng như nó đi kèm với sức thu hút từ lực. Có hai điều liên quan đến từ lực.
– Karma.
Con người đứng ở trung tâm thường có cái nhìn một chiều về ảnh hưởng và sức thu hút của mình với những ai mà họ tiếp xúc. Dầu vậy, còn một quan điểm nữa là nhìn chuyện theo karma. Với người có trách nhiệm vừa phải, những quyết định và chọn lựa họ làm dựa trên ảnh hưởng sẽ gây ra trong gia đình, trong vòng thân hữu hay nhóm làm ăn buôn bán của họ. Với người tiến xa, ảnh hưởng ấy rộng hơn, chẳng những nơi ai trong nhóm mà còn nơi nhiều người thuộc những nhóm khác, lại còn những người mà họ không biết nhưng phản ứng với hào quang của họ.
Vì sức thu hút của hào quang như thế, nó đem vào người anh cả ngăn trở lẫn trợ lực, nó có thể đẩy lui cái xấu và dẫn dụ cái tốt hay ngược lại, và qua sự tiếp xúc cùng mối liên hệ từ đó nẩy sinh, nó có thể quyết định khuynh hướng cuộc đời. Đó là một trong những yếu tố chính mà anh phải cân nhắc khi cần quyết định. Trong đời sống của linh hồn, sẽ tới một kiếp mà luật nhân quả chiếm phần quan trọng trong tâm thức. Từ cuộc đời ấy và từ phút ấy, con người khởi sự giải quyết nhân quả một cách ý thức và tận gốc. Anh học cách nhận biết khi biến cố và sự việc xẩy ra đòi hỏi phải suy gẫm, đặt câu hỏi; anh bắt đầu nghiên cứu ảnh hưởng của mình tỏa ra, xem xét nó nhu là tác nhân gây karma.
Như vậy, anh trở nên người xây dựng, làm nên tương lai cùng vận mạng của mình theo một nghĩa mới và quan trọng. Phản ứng của anh đối với cuộc đời, hoàn cảnh không còn chỉ thuần là tình cảm mà cố tình là kết quả của sự chiêm nghiệm có ý thức; do đó nó được chuẩn bị. Ấy là điều thiếu hẳn trong đời người thường. Khi thấu hiểu những điều chi phối phản ứng người mình, và cân nhắc ảnh hưởng sẽ gây ra cho người khác khi hành động, con người có thể làm kiếp này chấm dứt ở một nốt cao hơn vì đã sống thông minh và hữu ích. Mà vậy chưa hết, khi qua cuộc đời bên kia họ sẽ ý thức trọn vẹn nét chính trong kiếp tới là gì, và ngay từ lúc tái sinh, họ sẽ không ngừng cảm nhận phần trách nhiệm và động cơ thôi thúc.

– Thu Hút Lập Nhóm
Do sự chiếu rạng tâm linh, chúng ta hấp dẫn người khác và sinh ra mối liên hệ mà mai kia nhìn lại, ta sẽ thấy đây là cái nhân để thành tâm phụng sự hay Ashram của mình. Bất cứ ai tiến đến một mức nào đó sẽ lập một nhóm riêng, và thế giới hiện nay có đông đầy linh hồn như vậy. Thành ra sự chiếu rạng và thu hút chính là nền tảng của phương pháp làm việc theo cấp bậc. Tâm phụng sự lớn nhất là Thiên Đoàn - Hierachy, kế tiếp là Ashram của các vị Chân Sư, và thấp hơn là nhóm người phụng sự quây quần bên linh hồn của nhóm.
Một người tiến xa sẽ có sức thu hút tinh thần, người xung quanh lưu ý đến lực hấp dẫn ấy, nó khơi dậy làm họ đáp ứng và nếu gây ra ảnh hưởng ở môi trường thấp thì nó cũng lôi cuốn vị Chân Sư ở môi trường cao, làm ngài lưu ý tới anh, ghi nhận rằng anh là người phụng sự. Phản ứng dây chuyền là người bạn tìm đến Ashram có sức rung động hợp với anh, nơi đó anh được huấn luyện và sức thu hút của anh càng được gia tăng với thế giới bên ngoài. Anh tập hợp quanh mình những ai anh có thể giúp đỡ, những ai chọn anh làm người dẫn đường, theo cách đó tâm phụng sự thành hình với một làn rung động riêng sau nhiều kiếp anh tập chói rạng và đi theo sự lựa chọn của mình.
Bởi sự tụ hợp này chỉ thành một Ashram rõ rệt sau nhiều kiếp chuẩn bị, tầm quan trọng của nhóm người quây quanh linh hồn tiến hóa (hạt nhân của Ashram) lúc ban đầu chưa được nhìn nhận đúng mức. Hiện tại người bạn chỉ mới thiết lập những mối liên hệ, và sự chi phối của anh đối với người khác chưa sinh kết quả trong kiếp này. Dầu vậy, đó là bước đầu tiên đặt nên móng cho hoạt động phụng sự trong nhiều kiếp về sau. Bất cứ một ai khi làm việc trong nhóm sẽ thiết lập và duy trì hai loại tương quan.
i. Với người có cùng trình độ mà họ làm việc chung. Sự kết hợp ấy cho phép họ tiếp xúc được với những tâm thức và sinh hoạt cao hơn họ. Đó là tương quan với nhóm, tùy thuộc vào mối liên hệ giữa các thành viên trong nhóm.
ii. Với những người mà họ có liên hệ nhân quả, hoặc không do nhân quả chút nào mà chỉ là quyết định mới có. Lại nữa, sự tiếp xúc với nhóm có thể mở cho anh những đường lối hoạt động mới mà nếu để tự mình, anh sẽ không bao giờ làm được nếu không nhờ mãnh lực thu hút của nhóm.
Ta có thể nói thêm một chút về hào quang ở đây. Sự chiếu rạng tâm linh thường được hiểu là xẩy ra qua trung gian của hào quang, hay do tiếp xúc với các thể của người có mức chiếu rạng cao, mà cũng có khi không cần hào quang hay sự tiếp xúc. Cái sau xẩy ra phần lớn ở địa hạt tư tưởng, ý kiến một người được biểu lộ qua bài viết, diễn văn, hấp dẫn được kẻ khác và dẫn dụ họ chấp nhận quan điểm của mình. Riêng về hào quang, có nhiều sách viết chuyện vớ vẩn bởi có rất ít người biết rõ về đề tài ấy. Nó có thể được định nghĩa như là tính chất của bầu rung động hay bầu ảnh hưởng.
Con người có mở rộng tâm linh khi ghi nhận được nhiều rung động, từ ngũ quan và thế giới bên ngoài cho đến bầu ảnhhư ởng của một vị Chân Sư, rồi cao hơn nữa. Những bầu ảnh hưởng do rung động ấy luôn luôn hiện hữu dù không được nhận biết và ý thức. Cuộc tiến hóa là sự phát triển bộ máy đáp ứng để ghi nhận các ảnh hưởng, làm được vậy rồi thì mức kế tiếp là phản ứng thông minh với sự tiếp xúc ấy, mức ý thức càng ngày càng nhiều và cuối cùng là đạt được mọi trình độ tâm thức.
Điểm chót cần bàn là ảnh hưởng thu hút của cá nhân có thể biến sang sự cầm giữ, và người bạn ràng buộc kẻ khác vào mình dù không cố ý và cũng không hề hay biết. Sự trói buộc có thể mạnh mẽ, kéo dài, tạo ra chuyện lành hay gây trở ngại. Người bị thu hút có thể ở quá gần tới mức không tốt cho họ, và ai bị cầm giữ như vậy thường là người còn yếu và chưa tiến xa. Theo cách đó họ trở nên lệ thuộc vào ai thu hút họ, không biểu lộ được chính mình làm cho điểm yếu nẩy nở thêm, có khuynh hướng tiêu cực.

● Ashram
Tới đây ta có thể ghi lại những chặng phát triển mà hẳn bạn đã phác họa được vài nét từ đầu bài.
– Con người tạo một bầu ảnh hưởng là hào quang.
– Họ lập nhóm phụng sự và mức độ hữu hiệu của họ được đo bằng ảnh hưởng, hoặc cá nhân, hoặc qua ngòi viết, miệng lưỡi, đối với người khác.
– Sự thăng cao dần dần đưa người chí nguyện tới quả vị Chân Sư, và nhóm của ngài trở thành một Ashram.
Vùng ảnh hưởng của một Ashram có tính chất tùy thuộc vào cung của vị Chân Sư. Một ai được thu hút tới ngài vì họ đáp lại đặc tính chiếu rạng từ Ashram ấy, khi tiến đến chu vi của vòng ảnh hưởng, sự thu hút sẽ gia tăng làm mạnh thêm cùng những tính ấy nơi họ, lôi kéo họ dần vào trung tâm Ashram. Nói rộng ra, khi ai khởi sự đáp ứng tính chất của một Ashram, là họ tương ứng với đặc tính nơi hào quang của Chân Sư, được huấn luyện, tăng cường và thanh tẩy. Bởi sức sống trong Ashram tác động không ngừng lên các thể, khả năng chiếu rạng của họ được mạnh mẽ thêm, cho tới khi làn rung động của họ bắt đầu đồng nhịp với của Chân Sư, và họ đóng góp nhiều hơn vào đời sống của Ashram. Mỗi ai khi tiến sâu vào Ashram do sự tương đồng về tính chất và làn rung động, đều làm cho nhóm của họ được tăng cường và phong phú hơn. Theo với thời gian, Ashram trở nên mạnh mẽ thêm, càng thu hút và chói rạng.
Vi Chân Sư tiếp xúc với các đệ tử trong nhóm của ngài bằng cách phóng chiếu tư tưởng trực tiếp. Đó là căn bản của viễn cảm - telepathy (còn gọi là thần giao cách cảm) hay sự liên lạc trong nhóm. Sự phóng chiếu đi từ Chân nhân của ngài, cho ra các ảnh hưởng sau:
– Phát sinh từ cõi thượng trí, liên hệ đến Thiên Trí và kích thích óc trừu tượng.
– Phát sinh từ cõi trực giác, thể hiện bản chất từ ái của ngài, tác động lên phần cao nhất của thể tình cảm.
– Phát sinh từ cõi của Atma, liên hệ đến Thiên Cơ, ảnh hưởng phần cao nhất của thể sinh lực.
Chuyện đáng lưu ý là sự chiếu rạng của vị Chân Sư có tính năng động, thúc giục, còn của Ashram cho ra ảnh hưởng.
Chữ Bán Kính Tâm Linh vì vậy chỉ tầm ảnh hưởng do lực phát sinh từ một người. Sự chiếu rạng tâm linh bao giờ cũng có, nhưng nó bắt đầu mạnh mẽ khi con người khởi sự việc luyện kim tinh thần, chuyển biến cái thấp thành cái cao, sử dụng năng lực để cải thiện bản chất mình, tập thương yêu, sáng suốt hơn. Lúc đó họ trở thành con kinh cho ánh sáng của Chân nhân, cho sự soi sáng từ cõi bồ đề tuôn xuống, giúp cho ai còn đang lần mò trong bóng tối, và họ phải tự thể hiện luật chiếu rạng tâm linh trong đời sống ở cõi trần.
Đời sống của họ bắt đầu tỏa chiếu, gây ảnh hưởng từ lực nơi kẻ khác, có nghĩa họ khởi sự kêu gọi điều bị giam cầm nơi người sau, vì do làn rung động mạnh mẽ của mình mà người trước tiếp xúc được với cái tâm ẩn kín nơi mỗi cá nhân. Đây là sự phóng xạ tinh thần mà chỉ những ai đã cảm biết cái tâm tinh thần trong lòng mình mới nhận ra ảnh hưởng của nó và đáp ứng lại. Trong giai đoạn này lời nói của họ có khả năng đi thẳng vào tim người, họ kích thích được tâm người khác, khêu gợi cho kẻ sau hoạt động để giúp đời.
Bởi lời nói của họ có ảnh hưởng như vậy, nhiều người quay sang họ để được giúp đỡ, luôn cả hàng ngũ thiên thần và họ hoạt động hoặc trong chính trị, văn chương, giáo dục, nghệ thuật… Bằng cách này hay cách khác họ đi được vào tâm người để phụng sự, đường bán kính tâm linh mở rộng dần, cho tới khi nó bao trùm tất cả và không từ chối một ai.

Tham khảo:
Discipleship in the New Age, Vol. 1, 2. A. A. Bailey
Esoteric Psychology, Vol 1, 2. A. A. Bailey

 

Geese